Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Nhà thơ Kim Yến




Nhạc sĩ Đỗ Kim Yến

Là thành viên trong BCH Câu Lạc Bộ Thơ VN chị vừa làm thơ vừa viết nhạc.

Vào làng âm nhạc hơi muộn,tuy không còn ở độ tuổi sung sức nhưng ở Hôi âm nhạc Hà Nội chị là một trong những cây bút viết thành công về nhiều mảng đề tài trong cuộc sống. 
Bài hát “Lời quê” của chị được khán thính giả đánh giá là một trong những bài hát hay của nền ca nhạc Việt Nam. Giai điệu bài hát mượt mà, nhẹ nhàng như cơn gió đồng nội mát rượi, ca từ của bài hát chân thành, ngọt ngào như thơ: “Ngày xưa mẹ nấu canh chua/ Con ra bờ ao hái khế/ Chiều buông nắng xế đầu thôn/ Khói bếp tỏa thơm, cha về…”
Ngoài sáng tác nhạc, Kim Yến còn thích làm thơ vui, vịnh cảnh vịnh người, bởi trong tâm hồn chị có chút máu hài hước dễ thương. Đọc những bài thơ vui của chị ai cũng mỉm cười với cách ví von đơn giản, chủ đề cũng đơn giản nhưng ý nghĩa thì thật xâu sa. Riêng tôi rất thích bài “Chơi tăm” của chị:
Túi dắt vài cái tăm chơi
Biết đâu lại chẳng có người mời ăn
Nếu cần sĩ diện bảo rằng
Cám ơn tôi cũng vừa ăn no rồi
Túi dắt vài cái tăm chơi
Biết đâu lại chẳng có người hỏi xin
Tay ai lục túi mình tìm
Buồn vui ngọ nguậy nơi tim bồi hồi
Cứ dắt vài cái tăm chơi.
Vâng, cái tăm, một vật rất nhỏ trong cuộc sống của con người, thế mà Kim Yến lại lấy nó làm cớ để từ chối mời ăn, nâng cao sĩ diện thì quả là ý tứ quá. Một cái tăm bé nhỏ có thể làm cho hai trái tim nóng bỏng bồi hồi tìm đến với nhau. Thế mới biết mọi sự to tát có thể bắt đầu từ những chuyện cỏn con, một cái tăm thôi đã đủ lắm rồi để ta thể hiện sự thanh lịch của con người ở chốn ba quân.
Một lần đến nhà người bạn ngồi chơi, thấy cô gái nướng quả dọc nấu canh chua, Kim Yến ngắm nghía mãi rồi lầm nhẩm mấy câu cười nhạt thành bài thơ thế này:
Trời sinh là dọc thích xiên ngang
Chấp cả me xanh cả khế vàng
Thân dẫu teo trong nồi cá dấm
Vẫn còn đôi hạt để phô phang.
Vâng lại một chuyện nhỏ nữa trong cuộc sống, chỉ là việc nấu một nồi canh chua thôi, thế mà Kim Yến còn để ý để tứ thân phận quả dọc đến vậy. “Vẫn còn đôi hạt để phô phang”, câu thơ nghe giống giống cách thể hiện của Hồ Xuân Hương. Khi hỏi ý nghĩa câu này, Kim Yến chỉ cười không giải thích, tôi chợt liên tưởng đến một địa danh: Núi Đôi!
Đọc bài “Vịnh cây hoa sữa cuối mùa” càng thấy chất hóm hỉnh, thập chí nghịch ngợm của Kim Yến. Đặc tả hình ảnh cây hoa sữa cuối mùa mà như ai đó cố níu kéo sự hết thời của chính con người vậy:
Hết sữa rồi còn cố nhả tơ
Đông về cành quắt lá lơ phơ
Đung đưa quả lép giăng nhền nhện
Khoắng đũa vào đêm gắp vật vờ.
Vạn vật trên đời này đều có thời, lấy cái cây để liên tưởng đến đời là chuyện không mới nhưng nghe ra vẫn thấy hay háy thế nào.
Kim Yến thuộc diện người vui tính, thich cười đúng nơi đúng lúc, cười tế nhị nhưng cười bằng thơ thì đủ vị ra phết đấy!
Báo Đại Đoàn Kết

1 nhận xét:

  1. Bài bình gọn và hay đủ hiểu về nữ nhạc sĩ-thi sĩ Kim Yến!

    Trả lờiXóa