Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7


TUỆ MINH

Thiên tình sử NÚI ĐÔI
 Qua thơ hai thế hệ

Cách đây gần 60 năm-năm 1956- nhà thơ Vũ Cao đã sáng tác bài thơ Núi Đôi.Bài thơ kể lại câu chuyện tình thơ mộng nhưng bi tráng của một anh bộ đội và một cô du kích vùng giáp gianh trong cuộc kháng chiến  chống Pháp của dân tộc ta.
Thiên tình sử có thật diễn ra ở một địa danh có thật: Hai thôn Xuân Dục, Đoài Đông thuộc xã Lạc Long, nay là xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hai nhân vật trữ tình có thật là anh bộ đội Trịnh Khanh và cô du kích Trần Thị Bắc.
Tác giả không hư cấu, sắp đặt nhưng có một tình tiết ẩn khuất mà 19 năm sau nhà thơ Vũ Cao mới biết là cô du kích đã được cấp trên bố trí cho ra vùng tự do làm đám cưới với anh bộ đội. Họ chia tay nhau ngay sau đêm tân hôn và cô du kích về làng chiến đấu, hy sinh tháng 3 năm 1954. Chuyện đám cưới được giữ kín theo nguyên tắc bí mật thời chiến nên rất ít người biết. Vì vậy thiên tình sử của họ như miêu tả trong bài thơ Núi Đôi đã mặc nhiên được công nhận trong lòng dân và trong văn học. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa dạy Văn cho bao thế hệ học trò nên rất nhiều người chúng ta đều thuộc. Trong đầu tôi bây giờ vẫn vang ngân 16 khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt qua giọng ngâm của nghệ sĩ Thúy Mùi trên Đài TNVN với bốn câu kết được nhà thơ nâng lên thành biểu tượng cao đẹp hào hùng:
Anh đi bộ đội sao trên mũ.
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi.
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Tác phẩm Núi Đôi nổi tiếng đến nỗi bây giờ nhắc đến sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Vũ Cao người ta nhớ ngay đến bài thơ này. Cũng nhờ bài thơ  mà nay Núi Đôi đã trở thành địa danh du lịch.
Có lẽ vì bài thơ quá hay, quá sừng sững nên sau này tôi không đọc thấy một bài thơ nào viết về thiên tình sử này nữa.
Cho đến một ngày gần đây...
Tôi tình cờ được đọc bài thơ Về Lại Núi Đôi của Nhạc sĩ Đỗ Kim Yến viết trong một chuyến đi tham quan của CLB Sáng tác ca khúc Thủ Đô. Bài thơ  sau này trở thành lời  một ca khúc cùng tên của nhạc sĩ.
Một lần nữa, tôi lại xúc động!.
Gần 50 năm sau Vũ Cao, nhạc sĩ Đỗ Kim Yến chỉ là "Về Lại Núi Đôi", về lại địa danh đã đi vào lịch sử để nghe:
Thông và gió vẫn thầm thì kể chuyện
Dẫu lửa binh tàn đã bấy nhiêu năm...
Núi Đôi vẫn còn đó, lô cốt giặc vẫn "bẽ bàng ôm kỷ niệm" và ngôi mộ cô du kích vẫn nằm trong lòng đất Mẹ quê hương. Nhưng bây giờ là một góc nhìn khác, một cảm xúc khác.
Nửa thế kỷ đã trôi đi, đất nước đã trải qua thêm vài cuộc chiến khốc liệt, nhưng tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của cô du kích năm xưa vẫn còn sáng mãi. Thể xác và anh linh nữ liệt đã hòa nhập vào trời mây sông núi:
Núi Đôi phập phồng hơi thở.
Màu chiều gợi áo nâu ai.
Tác giả cảm nhận Núi Đôi như hóa thân khuôn ngực căng đầy sinh lực của người thôn nữ, đem lại hơi thở sự sống tràn trề tươi mới cho đất nước hôm nay:
Nhịp tim em hòa vào đất.
Rạo rực cỏ cây xanh hơn.
Và nhạc sĩ Đỗ Kim Yến có một cách nhìn rất mới lạ về sự dâng hiến tuổi xuân của cô du kích trẻ; sự hy sinh không hề uổng phí:
Thổn thức Xuân thì thôn nữ.
Làm tơ non cả nỗi buồn.
Chiến tranh qua đi, vết thương đã thành sẹo, cây đã đơm hoa kết trái trên hố bom. Cuộc sống tơ non sinh sôi từ cái chết, niềm vui khỏa lấp nỗi buồn. Đó là quy luật của vũ trụ.
Bao nhiêu đôi lứa đã và sẽ dập dìu đi trên lối người xưa "giữa hai triền núi". Họ không bao giờ quên công ơn những người đi trước và như vậy, thiên tình sử Núi Đôi sẽ còn sống mãi, sẽ còn xúc động các thế hệ làm thơ viết nhạc.
Tôi không có ý định so sánh tầm vóc của hai bài thơ và tài năng của hai tác giả. Tôi chỉ muốn chúng ta cùng bồi hồi nhớ lại thiên tình sử của một thời oanh liệt.
Và đây, xin mọi người cùng đọc bài thơ Về Lại Núi Đôi của nhạc sĩ Đỗ Kim Yến.
                  
VỀ LẠI NÚI ĐÔI

Thông và gió vẫn thầm thì kể chuyện
Dẫu lửa binh tàn đã bấy nhiêu năm
Hai làng vẫn đi về chung lối
Xuân  ngập ngừng qua mảnh đất em nằm !

Núi Đôi
Phập phồng hơi thở
Màu chiều gợi áo nâu ai
Lô cốt bẽ bàng ôm kỷ niệm
Đâu hương nồng cho tôi ấm bờ vai?!

Nhịp tim em hòa vào đất
Rạo rực cỏ cây xanh hơn
Thổn thức xuân thì thôn nữ
Làm tơ non cả nỗi buồn!

Núi Đôi
Giêng hai đồng vắng
Chợ làng vẫn nhớ dáng ai
Cho đời dập dìu đôi lứa
Núi Đôi
Thương người lẻ đôi !
Sóc Sơn-tháng 3/2001