Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015





ĐỖ KIM YẾN
THƠ VỚI ĐỜI

Đã có người nói: “Con người không có thơ thì chỉ là một cỗ máy bằng xương thịt”. “Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang”.v.v…
Riêng tôi, tôi ca ngợi thơ bằng những câu hát trong ca khúc của mình:
“Mùa xuân cho hoa cho cây lá vươn chồi
Thơ ca cho đời xanh tuổi đôi mươi”
Thật vậy, phải thừa nhận thơ là một loại thần dược của tâm hồn, giúp ích cho con người vượt qua khó khăn, bệnh tật, quên tuổi tác, đứng vững trước sóng gió cuộc đời…
Với góc nhìn của riêng mình, một nhạc sĩ và một người nội trợ. Tôi nghĩ: Nhạc là món ăn phải nấu cầu kỳ với nhiều gia giảm Còn thơ (Trừ những bài thơ uyên bác, để đời) thì thơ ứng khẩu, làm ngay tại chỗ như một món ăn nhanh, cũng góp phần không nhỏ cho cuộc sống thêm ý nghĩa…
Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ: Cách đây mấy năm, trong một dịp, tôi cùng một số các nhạc sĩ của Hội âm nhạc Hà Nội, dẫn đầu là nhạc sĩ Thế Song (tác giả bài hát Nơi Đảo Xa) nhận lời mời của ông Giám đốc Công ty Sông Đà, đi tham quan công trình Thủy điện Hòa Bình.
Trước khi xuống thuyền đi đến Thác Bờ, chúng tôi được mời vào dùng bữa ở một nhà hàng lớn, các cô nhân viên xinh xắn trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu.
Giữa bữa ăn, một nhạc sĩ trong đoàn vui vẻ nói: “Ở đây có nhạc sĩ Kim Yến viết nhạc và làm thơ ứng khẩu nhanh lắm, yêu cầu chị làm một bài thơ trong bữa ăn này cho vui”.
Tôi nhìn trên bàn, ngoài các món đặc sản, có một tô canh cá, đã được mọi người thưởng thức gần hết chỉ còn lại hai hạt quả dọc to đùng nằm chềnh ềnh trong bát (Quả Dọc là loại quả dùng để nấu canh chua trước khi nấu phải lấy que xiên, nướng). Trong đầu tôi thoáng nghĩ đến sự dí dỏm trong thơ của Bà chúa thơ Nôm (Hồ Xuân Hương) không để mọi người chờ lâu tôi đọc luôn:
Quả Dọc :
“Trời sinh là dọc thích xiên ngang
Chấp cả me xanh, cả  khế vàng
Thân dẫu teo trong nồi cá dấm
Vẫn còn đôi hạt để phô phang”
Tôi vừa dứt lời, mọi người cười ầm lên, có anh phì cả cơm ra bàn.
Tiếng cười làm vui vẻ suốt chặng đường đi nhất là mỗi khi có người đọc lại bài thơ ấy. Chiều tối, sau khi đã đi thăm nhiều nơi đang trên đường đến một quán giải khát, bỗng từ đâu gió đưa hương thơm nồng nàn, mọi người bảo nhau: “Mùi hoa sữa ở đâu mà thơm thế?” Rồi có người nói to: “Mùi hoa dạ hương đấy chứ, cây hoa Sữa kia còn hoa đâu, cuối mùa rồi”. Mọi người nhìn lên, một cây hoa sữa, đã trụi gần hết lá, chẳng còn hoa, chỉ thấy từng chùm quả như những bó đũa, có quả già tách vỏ, nhà tơ, bay theo gió như tơ nhện… Tiếng ồ vang lên, rồi một anh trong đoàn, vừa cười vừa nói: “Đố Kim Yến làm một bài thơ về cây Hoa Sữa kia, làm được tôi chiêu đãi mọi người chầu giải khát. Tôi mạnh dạn nói: “Mọi người cứ đi đến nơi sẽ có thơ”.
Rồi vẫn giọng thơ vui, tôi đọc ngay khi vừa vào đến quán:
Cây Hoa Sữa :
“Hết sữa rồi còn cố nhả tơ
Đông về, cành quắt, lá lơ phơ
Đong đưa quả lép giăng nhền nhện
Khoắng đũa vào đêm, gắp vật vờ”.
Nghe xong, mọi người cười nghiêng ngả, rộn cả một góc quán.
Ông Giám đốc Công ty Sông Đà vui vẻ nói: “Cho tôi xin chép lại hai bài thơ của Kim Yến, để đi đâu, có dịp tôi đọc cho công nhân tôi nghe, chắc sẽ vui lắm…”.
Hai bài thơ ứng khẩu, vẻn vẹn có tám câu, đã được đăng trên ấn phẩm Hương Đất Việt của CLB Thơ Việt Nam.
Trải qua đã nhiều năm, đến giờ còn có nhiều người nhớ những câu thơ đó. Họ đọc cho nhau nghe những lúc trò chuyện trên điện thoại hoặc trong các cuộc hội ngộ… rồi cùng cười thoải mái.
Đúng là: Thơ đã đem lại niềm vui cho đời.