Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

KỶ NIỆM BÊN HỒ TÂY
Nhớ lại 10 năm ngày gặp mặt giao lưu
                                             với cố GS Trần Quốc Vượng                                                        


Chiều12/1/2002 
Một chiều mùa Đông nắng đẹp!
Sau khi cùng họp ở trụ sở Hội VHNT Hà Nội, chúng tôi kéo nhau ra quán My Lăng
(phía sau trường Chu Văn An). Nơi đây, các khách thơ thường lui tới đàm đạo, trà rượu ngắm cảnh, thưởng thơ bên hồ.

Nhóm bạn thơ này có cái tên lãng mạn “Câu lạc bộ Thơ thứ bảy”, gồm một số các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội VHNT Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội… Tất cả đều có chung một tình yêu son sắt với “Nàng thơ”.
Đang say sưa trò chuyện đọc thơ, bỗng thấy anh bạn ngồi phía ngoài, đứng dậy lao xao :
- Chào Giáo sư ạ!
- Chào Thầy ạ! Mời thầy ngồi ạ!
Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong bộ kaki gọn gàng trẻ trung bước tới nhanh nhẹn bắt tay mọi người vui vẻ nói :
- Xin phép các bạn, cho tôi ngồi cạnh Kim Yến. Nếu có bạn nào không ưng có thể đẩy tôi xuống hồ. Nhưng báo trước là tôi không chết đuối vì tôi vốn là dân vùng biển.
Rồi quay sang tôi, Giáo sư nhỏ nhẹ :
- Em làm thơ có bản lĩnh đấy.
Tôi đang ngỡ ngàng đã nghe ông cao giọng:
- Có ai cho mình tờ giấy trắng nhỉ ?
Nhà thơ Đào Trung Việt nhanh tay đưa luôn cả tờ giấy điều và mực nho để xin chữ của thầy. Không khí sôi động hẳn lên, khi Trung Việt tay giơ cao tờ giấy có hàng chữ Hán rũ nhẹ mực cho mực đen rớt xuống trên nền giấy điều, như một người chơi thư pháp sành điệu.
Thầy Vượng vẻ mặt tươi vui, tiếp tục múa bút trên giấy thể hiện con người khí chất dồi dào, bút lực còn sung mãn lắm, dù đã gần ở cái tuổi thất thập. Mười phút sau ông đã viết xong bài thơ nét chữ khoáng đạt, ý tứ dí dỏm, còn không quên điền thêm một Hán tự. Bài thơ ấy tới giờ tôi vẫn giữ làm bút tích.
Tặng Kim Yến
Xuân Yến thu phong xuân bất tận
Vượng tàng hạ hỏa hạ vô biên
Én xuân trước gió thu may
Én xuân vẫn đợi ngày này năm sau
Tưởng đông giá lạnh có đâu
Mùa hè rực đỏ lửa yêu suốt đời.
Rồi vừa vui nhộn vừa lịch lãm, ông nắm tay tôi mời ra dãy bàn phía xa. ở đó ông giới thiệu tôi với một nhóm các cán bộ nghiên cứu, các cử nhân sử học, khảo cổ học, là học trò và cộng sự của ông, rồi với tôi, ông nói :
- Anh vừa tặng thơ cho em, giờ em hãy ứng tác một bài đi. Về thơ, Sử, Tình người chẳng hạn.
Tôi hơi e ngại, nhưng cũng nhận là vì ít khi có dịp hội ngộ, giao lưu giữa những người viết sử và người làm thơ.
Ông ngồi cạnh, theo dõi từng dòng thơ, miệng cười mỉm. Giữa khung cảnh ấy, bên con người ấy, tôi như có phép lạ. Cũng như ông tôi viết một mạch, không tẩy xóa, không nháp, chỉ dừng một lát khi ông tán đùa: -“Tớ chỉ buồn vì mái tóc bạc và cái đầu hói thôi em thân yêu ạ”.
Tôi vừa dừng bút sau câu kết bài thơ, ông đã cầm lấy và cao giọng đọc luôn :
Sử và thơ
Sôi sục Sử, thẫn thờ Thơ
Dập dồn cơn sóng bất ngờ đan nhau
Tóc thời gian gội trắng phau
Vẫn còn ngút ngát xanh câu tỏ tình
ÉN chiều mỏi cánh hành trình
Sớm xuân VƯỢNG nắng bình minh tràn về
Lại chao liệng, lại đam mê
Lại đưa thoi dệt nắng về với xuân
Tóc phai đừng vội phân vân
Bạch kim quý gấp vạn lần lá xanh
Thời gian đỏng đảnh mong manh
Triệu năm lá cũng chả thành bạch kim
Bao giờ trái đất ngủ im
Chẳng còn Thơ, Sử - trái tim mới ngừng .
Nghe xong mọi người vỗ tay tán thưởng.
Tan cuộc,nhóm thơ chúng tôi về trước,nhóm các nhà sử học của thầy còn ngồi lại.Bỗng nghe tiếng thầy gọi với theo : “Kim Yến ơi! Nhà em ở đâu? Điện thoại bao nhiêu?”…
Tiếng ông hòa vào tiếng cười vui của mọi người. Mấy bạn thơ Trần Thái, Nguyễn Điển, Hoàng Dự đề nghị ghi lại câu chuyện này thành giai thoại đăng vào tạp chí Thăng Long Văn Hiến, nhưng giáo sư Vượng gạt đi rằng : “Thôi thôi để khi nào tớ “tịch” đã.
Thế mà đã hơn 10 năm trôi qua con người giản dị tài năng ấy đã đi xa, để lại tiếc thương cho bao người.
Tháng 8 này là kỷ niệm 7 năm ngày mất của cố Giáo sư, tôi viết bài này chẳng dám nghĩ nó sẽ thành giai thoại nhưng là một câu chuyện vui về Thơ ca với đời thường của người Hà Nội.